Thứ Năm, 14 tháng 5, 2015

Vì em chưa giỏi tiếng Nhật (hay một ngoại ngữ)???




Vì em chưa giỏi tiếng Nhật???
Học tiếng Nhật không khó nhưng một ngoại ngữ dù học nhiều đến đâu vẫn có cái không hiểu. Tuy nhiên, nếu vì ngôn ngữ không hiểu là dẫn đến hiểu lầm, mâu thuẫn, cãi nhau,…những điều đó chỉ một phần là do không hiểu ngôn ngữ, một phần lớn là do cách giao tiếp, ứng xử với con người. Một người giao tiếp bằng ngoại ngữ với một người không cùng tiếng mẹ đẻ mà dẫn đến cãi nhau cũng sẽ cãi nhau khi dùng tiếng mẹ đẻ với một người cùng đất nước.



Như người ta đã nói, 93% những gì bạn truyền tải không đến từ nội dung lời nói, chính vì vậy, ngoài dựa vào nội dung khi giao tiếp với người khác, bạn cần để ý thật nhiều đến vẻ mặt, thái độ, giọng điệu của người nói. Và để ý đến hoàn cảnh của cuộc nói chuyện, câu chuyện nói về cái gì, trong trường hợp nào, thái độ của đối phương từ trước đến giờ về những vấn đề tương tự như thế nào để từ đó có những phán đoán phù hợp. Điều này không chỉ áp dụng khi nói ngoại ngữ mà còn trong tiếng mẹ đẻ cũng vô cùng ích lợi.

Vì vậy, nếu bạn gặp khó khăn khi giao tiếp với sếp, đồng nghiệp hay bạn bè,…cả bằng ngoại ngữ hay tiếng Việt, hãy xem lại cách nói chuyện của mình, vẻ mặt, thái độ...của đối phương. Không hẳn bạn đã không lắng nghe, không hiểu nội dung người nói. Đôi khi bạn đã quá chú tâm đến nội dung lời nói mà quên mất có những thứ quan trọng hơn và không phải dùng đôi tai, mà phải dùng đôi mắt để hiểu. Và đừng cố diễn đạt điều mình muốn nói, thay vào đó hãy tập trung để hiểu xem đối phương đang muốn nói gì.
 
Và hãy thật từ tốn khi phản ứng, vì rất có thể bạn đã hiểu sai điều đối phương muốn nói, hãy nhìn sâu vào đôi mắt để biết đối phương muốn nói gì, chú ý đến các từ khóa liên quan, và xác nhận lại sau khi đối phương dừng nói.
 Đây cũng chính là điều Phụng nhắc bản thân mỗi ngày.

Quay lại việc học ngoại ngữ như thế nào cho hiệu quả, cá nhân Phụng có vài suy nghĩ như sau:
1.    Học ngoại ngữ để giao tiếp, làm thế nào để hiểu ý đối phương nhanh nhất và truyền tải ý mình hiệu quả nhất, sử dụng ít từ nhất.

2.    Học ngoại ngữ để ngôn ngữ, lời nói mình nói ra làm cho đối phương cảm thấy dễ chịu khi nghe. Đôi khi đối phương hiểu ý của bạn nhưng cách bạn dùng từ, cấu trúc câu có thể khiến đối phương khó chịu vì từ ấy mang nghĩa xấu hoặc cấu trúc đó quá dài dòng, thậm chí là sai…

Hãy để 2 điều này làm kim chỉ nam trong việc học ngoại ngữ của bạn và bạn sẽ đi đúng hướng. Vì phương pháp có rất nhiều, ai cũng có thể có phương pháp học của riêng mình, nhưng không phải phương pháp tốt với người này sẽ tốt cho bạn.

Với Phụng, Phụng cũng sẽ đưa ra phương pháp của mình, nhưng các bạn hãy nhớ rằng, chỉ để tham khảo và áp dụng thử, không phù hợp cũng không sao. Đừng gượng ép.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét